Tôi đến
với chương trình hai kinh tế thật tình cờ, đó là một buổi sáng cuối tháng 10
cách đây bốn năm về trước. Tôi đã nhận được một cú điện thoại của bạn tôi, bảo
rằng bên Kinh tế người ta có mở lớp học cho các sinh viên trong Đại Học Đà
Nẵng. Không thể diễn tả cảm giác của tôi lúc đó. Cái cảm giác lâng lâng rất hồi
hộp.
Nếu tôi biết được mình phù hợp với ngành
nào, lĩnh vực nào thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng với tôi tất cả
còn nhiều mới lạ. Được sinh ra và lớn lên ở một miền quê, nơi mà điều kiện sống
còn nhiều thiếu thốn. Tôi không có nhiều thông tin về những ngành mà mình có
thể học, tôi cũng không được tư vấn nhiều để lựa chọn con đường mình đi. Chỉ
biết rằng học để không phải làm nông, học để không phải ở nhà cuốc ruộng. Thế
là tôi bước chân vào giảng đường đại học, chuyên ngành công nghệ thông tin. Rồi
từ đó tôi bị cuốn theo một hành trình không mấy hứng thú, nhưng cũng nhiều điều
thú vị và bổ ích.
Bạn bè tôi
nói rằng, tôi không phù hợp với Bách Khoa, không có đam mê với nghề lập trình.
Bởi tôi không thể ngồi yên một chỗ, không ngồi code quá 2 tiếng đồng hồ. Tôi
hay tìm đến những phi vụ kinh doanh nhỏ: bán hoa, bán lồng đèn, bán thiệp… Tôi
thích đi làm nhà hàng tiệc cưới, bởi ở đó tôi học được cách bài trí bố trí bàn
tiệc, thiết kế sân khấu, nội dung tiệc cưới, cách dẫn chương trình của MC, cách
làm sao để các vị khách hài lòng, vui vẻ….3 năm đại học của tôi là như thế.
Nhiều lúc tôi muốn bỏ đại học, nhưng sau đó thì tôi sẽ làm gì để đi tiếp và nếu
tôi bỏ giữa chừng thì ba mẹ tôi sẽ thế nào đây. Một bài toán chưa có lời giải
hợp lý. Trong lúc đang loay hoay tìm đường đi mới, chương trình 2 kinh tế đến
với tôi như một vị cứu tinh, giúp tôi thoát khỏi cảnh hiện tại không mấy nhiệt
huyết này.
Hình ảnh
đầu tiên của tôi về trường Kinh tế là một ngôi trường đầy những bóng cây, phía
trước là nhà giữ xe hơi lụp xụp, một cảm giác buồn và có phần ảm đạm, có lẽ vì
tôi đến một ngày đầu đông. Mọi thứ rất khiêm tốn, giản dị. Trong khi đó ngôi
trường mà tôi đang học, thông thoáng, công viên rộng và đẹp hơn. Phải nói là
tôi rất tự hào cho trường Bách khoa về điểm này. Nhưng mọi thứ trở nên khác hẳn
khi bước chân đầu tiên vào nơi không chỉ tôi mà các bạn sinh viên ở trường tôi
không mấy cảm tình cho lắm. Phòng đào tạo, sao người ta giao tiếp nhỏ nhẹ quá
vậy, sinh viên được hỏi rất nhiều câu và câu nào cũng được giải đáp rất hợp
tình hợp lý, chứ không phải là sự lạnh lùng bằng những câu trả lời như được lập
trình sẵn. Những nụ cười tươi, những giọng nói ấm áp rõ ràng rất dễ chịu.
Rồi tôi
cũng nhận được thông báo nhập học, 38K12-CT2 chỉ tôi duy nhất một mình một lớp.
Thằng bạn cùng lớp Bách khoa, học chương trình hai khoa quản trị kinh doanh thì
có 3 bạn. Ít ra thì nó cũng có người để học chung và đi cùng. Còn tôi sao mà
nản thế lại một mình lẽ bóng. Tôi cố gạt bỏ ý nghĩ đó qua một bên để khởi đầu
kinh tế của tôi bằng 3 môn: xã hội học, kinh tế vi mô và kinh tế ngành. Chương
trình học của sinh viên chương trình hai không khác gì với các bạn khác. Tuy
nhiên chúng tôi được giảm đi gần 30 chỉ các môn học căn bản như: Toán cao cấp,
tin học đại cương, anh văn cơ bản, Mac, tư tưởng, thể dục…
Ngày đầu
tiên đi học sao mà đông con gái thế, nhiều bạn rất xinh và dễ thương, tới đây
thì nó lại thêm cái động lực mới, tôi nhanh chóng hòa nhập. Cũng một phần vì
cái lý do chung của con trai là thế và quan trọng hơn nếu bạn không hòa nhập, không
tìm nhóm để tương tác thì bạn sẽ không thể học tại trường Kinh tế. Lập nhóm,
làm nhóm và thuyết trình - đây là một khác biệt rất lớn so với môi trường kỹ
thuật những năm qua của tôi. Thật là buồn cười, nếu ở Bách khoa những môn kiểu như xã hội học
khiến tôi suốt ngày ngủ gật. Còn ở Kinh tế thì tôi cứ giơ tay phát biểu thường xuyên, hăng hái tranh luận khi có câu hỏi. Thực ra ở đây tính tương tác của
giảng viên và sinh viên cao hơn, cởi mở hơn. Tôi đã được học cách thuyết trình,
cách nói chuyện trước đám đông. Học cách lắng nghe và tư duy phản biện. Tôi
cũng được các cô chỉ cách làm thế nào để luyện giọng, để tăng sự thuyết
phục và thu hút người nghe. Điều thay đổi rõ rệt nhất mà tôi thấy là tôi đã chủ
động làm lớp trưởng, liên lạc với cô giáo và truyền các thông tin đến các bạn
trong lớp. Vì từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ làm lớp trưởng cả. Còn điều mà
tôi thấy hạnh phúc nhất là tôi đã được đón nhận rất nhiều tình cảm yêu mến từ
các bạn và cô giáo dành cho một sinh viên chương trình 2 như tôi. Bắt đầu đối
với tôi như thế là tuyệt vời.
Môi trường
DUE có rất nhiều điều hay và ý nghĩa. Có rất nhiều chương trình ngoại khóa cho
sinh viên tham gia. Một trong những hoạt động tôi thích nhất là start up. Tuy
quy mô khởi nghiệp còn nhỏ, nhưng các bạn rất năng động, tự lập nhóm và xây
dựng chương trình khởi nghiệp mà không có sự hỗ trợ về vốn. Tất cả những gì các
bạn nhận được chỉ là những bài học trên lớp, sự truyền đạt những kinh nghiệm
của thầy cô, từ lý thuyết ra thực tế rất khác nhau, nhưng các bạn làm rất tốt.
Ngoài ra còn có nhiều chương trình giao lưu giữa sinh viên với thầy cô, doanh
nghiệp…. Tôi rất tiếc vì không có nhiều thời gian để tham gia hoạt động ngoại
khóa, nhưng bấy nhiêu cũng giúp tôi nhận được nhiều giá trị to lớn. Khi đã hòa
nhập vào DUE, càng về sau tôi càng trưởng thành hơn. Tôi càng hứng thú hơn với
các môn quản trị học, phát triển kỹ năng quản trị… nó giúp tôi tiếp xúc với các
tư duy về quản trị. Nó giúp tôi nhìn sâu hơn về bản thân, quản trị cá nhân hiệu
quả hơn, logic hơn. Các kỹ năng quản lý và tinh thần trách nhiệm của tôi cũng
được trau dồi và bổ sung nhiều thông qua các hoạt động nhóm trên lớp.
Một khó
khăn rất lớn của người học chương trình hai là thời khóa biểu. Mà bọn tôi lại
là người học hai trường khác nhau xa nhau về môi trường học tập cũng như về
khoảng cách địa lý. Có lúc giống như ôm xô, chạy đi học mà giống như xe ôm chạy
ngoài đường vậy. Lịch học phải thực sự logic thì mới có đủ thời gian để di
chuyển, kịp giờ học, đúng giờ làm nhóm và cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe.
Ghét nhất là trời vào tháng ba, nắng chang chang, vậy mà giữa trưa phải di
chuyển từ Hòa Khánh về Quận 3, thật là tội nghiệp.
Học chương
trình 2 có một chút được ưu ái là lịch biểu có thể linh động sau khi đăng ký.
Có thể học nhiều môn cùng một lúc. Các thầy cô cũng rất thông cảm và hết sức
tạo điều kiện. Nhờ thế mà lịch học được điều chỉnh, số lượng môn có thể tăng
thêm trong một kỳ, đi học trễ cũng được châm chước. Cực nhất là lịch thi giữa
kỳ giữa hai trường. Dễ diễn ra tình trạng chồng chéo, do đó phải chủ động xin
thầy cô sang thi với lớp khác. Để kịp tiến độ, nhiều lúc phải nhắm mắt chấp
nhận hai môn học của hai trường trùng giờ. Nhưng may mắn là những môn ở Bách
khoa của tôi là những môn thực hành, số lượng buổi học ít nên tình trạng cáo
phép xin vắng ở trường kinh tế để thực hành cũng ít đi. Đó là những kỉ niệm mà
tôi sẽ không bao giờ quên. Tình cảm của các cô thầy dành cho tôi vô cùng quý
báu. Tôi rất hạnh phúc và biết ơn vì điều đó.
Ở Bách
khoa, bọn tôi hay áp dụng chính sách học một đêm để thi trong một giờ. Sang học
Kinh tế tôi cũng áp dụng như thế. Đó là một thất bại lớn và sai lầm hoàn toàn.
Khối lượng kiến thức ở kinh tế rất lớn. Giáo trình cuốn nào cũng vài trăm trang
không thể nào mà nuốt nổi trong một đêm, ngoài ra có một điều đặc biệt là lượng
kiến thức không hẳn đến từ sách vở mà đòi hỏi sự hiểu biết về môi trường thực
tế, khả năng lọc thông tin qua các bài báo, tin tức. Tôi đã chọn học theo cách
đọc và hiểu, mưa dầm thấm lâu. Do đó tôi cố gắng tương tác trên trường, tăng
cường đọc sách trong suốt quá trình học, để đến khi thi cuối kỳ không phải lo
lắng. Điều đó đã đem lại kết quả cho tôi sau này.
Giai đoạn
khó khăn nhất và đáng sợ nhất trong suốt học thời gian học chương trình hai là
giai đoạn năm cuối Bách khoa, làm đồ án để tốt nghiệp ra trường. Đồ án quá mới
so tôi, mà bên kinh tế thì làm nhóm quá nhiều. Phải làm sao cho trọn vẹn, để
không bị ảnh hưởng đến các bạn trong nhóm, bài vở oke mà đồ án phải hoàn thành
không thể chậm trễ. Các deadline liên tục bị dồn nén về phía tôi. Có lúc tôi
lâm vào bế tắc, bị stress đến độ muốn cầm cái laptop đập đi cho xong. Thi xong
cuối kỳ kinh tế là tôi dồn hết vào đồ án. Vào nước rút một tuần trước ngày nộp
báo cáo tốt nghiệp, mỗi ngày tôi chỉ ngủ có 3 tiếng đồng hồ và tôi đã vượt qua.
Đó là điều mà tôi tự hào nhất về bản thân mình.
Và cứ như
thế tôi bước vào chuyên ngành, tôi quen được nhiều bạn bè hơn. Tôi bắt đầu nhìn
thấy rõ về Marketing hơn. Tôi học được rất nhiều môn hay như: Quản trị
Marketing, quản trị kênh phân phối, quản trị thương hiệu và sản phẩm, marketing
kỹ nghệ, IMC….. Chúng phải tự làm video quảng cáo, vẽ tranh cổ động, xây dựng
kế hoạch Marketing…những tháng ngày có quá nhiều kỉ niệm. Có hai môn cực kỳ cao
cấp và kinh điển mà tôi phải trãi qua đó là quản trị chiến lược và marketing
chiến lược. Nó làm tôi và các bạn trong nhóm mất ăn mất ngủ mấy tháng trời.
Cuối cùng thì thì nhóm chúng tôi cũng đã về đích với thành tích khá ấn tượng,
cả nhóm một phen hú vía.
Không quá
thực sự nổi bật nhưng tôi được chào đón bởi tất cả các bạn K12 (37K12 và
38K12). Cuộc sống chương trình hai của tôi không thể không nói đến 38K12, đó là
một điều may mắn đối với tôi. Các bạn rất năng động. Tôi thích cách các bạn học
tập, một không khí sôi nổi và hào hứng. Những khoảnh khắc điên rồ, hoang dã,
những ý tưởng táo bạo và những hành động cực kỳ rất Marketing. Tôi thích
cách các bạn cổ động phong trào, những gương mặt dễ thương nhưng rất mạnh mẽ.
Tôi sống trong bầu không khí K12, được tham gia hoạt động nhóm, ngoại khóa với
các bạn và bây giờ tôi không còn lẻ bóng như những ngày đầu tiên tôi suy nghĩ
về lớp 38K12-CT2 ấy. Các bạn thực sự đã truyền cảm hứng, khuấy động tâm hồn của
một chú ngựa già 90. Cảm ơn các bạn nhé!
Khi tôi
đang viết những dòng này là tôi đang ở giai đoạn kết thúc chương trình hai của
mình. Chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn nữa thôi tôi sẽ chia tay khoa
Marketing, chia tay DUE để đến với cuộc sống mới. Cảm ơn ba mẹ, gia đình, bạn
bè đã luôn ủng hộ và sát cánh cùng tôi. Cảm ơn tất cả các thầy cô phòng đào tạo
đã tạo điều kiện giúp đỡ. Cảm ơn tất cả các thầy cô giáo đã cho tôi những bài
học hay. Cảm ơn tất cả các bạn DUE, những người bạn thân mến của tôi đã giúp
tôi hòa nhập và sống tốt trong môi trường đầy năng động này. Tôi đã thực tập và
giờ đang làm việc trong lĩnh vực Marketing online. Ở một công ty khởi nghiệp.
Môi trường mới, mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu, tôi sẽ phải cố gắng để theo đuổi
con đường mình đi. Sẽ có khó khăn và thất bại, nhưng rồi sẽ có quả ngọt và hoa
thơm. Tôi luôn tin vào điều đó.
Da Cuoi
Bài viết đã được đăng tham gia chương trình "Nhắn gửi yêu
thương" trên Fanpage khoa Marketing, Đại học Kinh
tế, Đại học Đà Nẵng ngày 8/11/2015.